• Chia sẻ qua Zalo
  • Chia sẻ FB
  • Góp ý & Báo lỗi
  • Bình luận0

Sự thật về loài hoa Chi Pâu: nguồn gốc cái tên nghe xong chỉ muốn cười 'té ghế' nhưng quan trọng là đẹp như cảnh ở nước ngoài

Bây giờ, đến Tà Chì Nhù săn ảnh hoa Chi Pâu cũng là mong muốn của rất nhiều người.

Vào khoảng tháng 11/2018, khắp nơi trên các  trang mạng xã hội bất ngờ rần rần bởi sự xuất hiện của một loài hoa lạ tại Việt Nam. Hình ảnh thảm hoa tím trải dài bất tận, mênh mông và hút mắt chẳng thua kém gì những cánh đồng hoa oải hương ở Pháp. Nếu không đọc phần mô tả, có lẽ nhiều người sẽ "nảy số" luôn trong đầu rằng đây là một địa điểm ở phương trời Âu nào đó... Bởi chỉ mới xem qua ảnh hoặc clip thôi nhưng đã thấy thu hút bởi những hình ảnh quá đỗi hoành tráng này rồi.

Sự thật về loài hoa Chi Pâu: nguồn gốc cái tên nghe xong chỉ muốn cười té ghế nhưng quan trọng là đẹp như cảnh ở nước ngoài - Ảnh 1.

Nhưng không, những thảm hoa tím này thật sự có ở Việt Nam. Và nó cứ phủ tím cả một vùng trời như vậy vào mỗi khoảng tháng 11 hàng năm. Rất nhiều cây hoa mọc bạt ngàn ở ven những triền dốc trên đường lên đỉnh núi cao thứ 7 Việt Nam là Phú Lương 2979m, hay còn được gọi bằng cái tên quen thuộc là Tà Chì Nhù (Trạm Tấu, Yên Bái).

Đến đây, có lẽ rất nhiều người sẽ thắc mắc đây là hoa gì đúng không? Không chỉ thu hút bởi vẻ đẹp, những cây hoa này còn có một câu chuyện vô cùng ấn tượng về cái tên nữa đó.

Hoa Chi Pâu - cái tên bắt nguồn từ một sự... nhầm lẫn?

Hoa Chi Pâu, cái tên khá lạ lẫm và nếu nghe qua thì chắc hiếm ai ngờ được ý nghĩa của nó. Có khá nhiều câu chuyện về "sự tích" loài hoa Chi Pâu được chia sẻ trên mạng, tuy nhiên vẫn chưa có ai xác định về sự thật của những câu chuyện này, thậm chí có người còn cho rằng đó chỉ là một nguồn gốc do vị khách du lịch vui tích nào đó "sáng tác" nên mà thôi.

Theo chia sẻ của một số phượt thủ và những người thường xuyên đến vùng Tây Bắc, khi nói chuyện với đồng bào người Mông ở đây, hỏi rằng loài hoa đó có tên là gì thì nhận được câu trả lời: "Chi pâu". Nghe vậy, có lẽ nhiều người sẽ hiểu luôn rằng, Chi Pâu chính là tên của loài hoa này. Cái tên Chi Pâu bỗng được chia sẻ rầm rộ trên rất nhiều trang mạng xã hội, đi kèm với hình ảnh thảm hoa tím bát ngát khiến ai cũng thích mê. Và giờ thì rất nhiều người đều nuôi mộng được đến chụp ảnh ở đồi hoa Chi Pâu.

Thế nhưng, sự thật thì lại rất bất ngờ, rằng thật ra câu trả lời của đồng bào Mông là "không biết tên nó là gì, "chi pâu" trong tiếng của người Mông có nghĩa là... "không biết". Như vậy thì hoa Chi Pâu thật ra chỉ là một cái tên bắt nguồn từ sự nhầm lẫn mà thôi.

Cũng có một số nguồn cho rằng vì không biết loài hoa này tên gì nên đồng bào người Mông đã tự đặt tên luôn là Chi Pâu, có nghĩa là "không biết".

Sự thật về loài hoa Chi Pâu: nguồn gốc cái tên nghe xong chỉ muốn cười té ghế nhưng quan trọng là đẹp như cảnh ở nước ngoài - Ảnh 2.
Sự thật về loài hoa Chi Pâu: nguồn gốc cái tên nghe xong chỉ muốn cười té ghế nhưng quan trọng là đẹp như cảnh ở nước ngoài - Ảnh 3.

Hội mê leo núi miệt mài đi tìm cái tên thật cho loài hoa tím mộng mơ

Sau đó, với niềm yêu thích loài hoa này cũng như mảnh đất Tà Chì Nhù, anh Mạnh Chiến, Nguyễn Trọng Cung và các thành viên hội đam mê leo núi đã cùng tìm hiểu khắp nơi để tìm được cái tên thật sự của loài hoa này.

Theo đó, loài hoa này có tên chính xác là Swertia hoặc cỏ Mật Rồng hay Đại Tử Đương Dược (nghĩa là cây thảo dược có hạt lớn), là một chi thuộc họ Long đởm thảo-Gentianaceae. Loài hoa này được miêu tả lần đầu tiên vào năm 1883, là một loại thuốc dân gian truyền thống ở vùng Tây Tạng, Vân Nam và Quý Châu (Trung Quốc). 

Ở Việt Nam, loài hoa này có mặt khá nhiều ở vùng núi phía Bắc. Tại Tà Chì Nhù, do mọc nhiều, vào mùa hoa nở tạo nên một thảm thực vật màu tím vô cùng đẹp mắt nên đã nhận được sự chú ý của rất nhiều người. 

Sự thật về loài hoa Chi Pâu: nguồn gốc cái tên nghe xong chỉ muốn cười té ghế nhưng quan trọng là đẹp như cảnh ở nước ngoài - Ảnh 4.

Dù quả thật, cái tên Chi Pâu có bắt nguồn từ sự nhầm lẫn hay gì đi chăng nữa thì đến thời điểm này, nó lại trở thành cái tên đã gắn liền với loài hoa tím nở bát ngát ở Tà Chì Nhù vào khoảng tháng 11 hàng năm. Dù có là Đại Tử Đương Dược, cỏ Mật Rồng hay Chi Pâu đi chăng nữa, loài hoa này vẫn đã và đang nhận được sự yêu thích của rất nhiều người, đặc biệt là các tín đồ du lịch. 

Nguồn: Mạnh Chiến/ Ảnh: Hải Lê Cao.

Bạn được tự do bày tỏ quan điểm nhưng nghiêm cấm spam

Tin liên quan