Treo bảng cấm chụp hình, người dân thì mất cảm tình với 'mấy thợ ảnh' - con hẻm cổ Hào Sĩ Phường từng nổi tiếng trong giới chụp ảnh nay không còn được chào đón
Lại một điều đáng buồn và cũng không đáng có đã xảy ra, khiến những ai trót yêu con hẻm cổ nổi tiếng nhất nhì của Sài Gòn sẽ chẳng còn được chào đón như trước kia.
Con hẻm bình yên hơn trăm năm tuổi và cái ngày nó bất ngờ nổi tiếng
Cách đây khoảng 3 - 4 năm nếu nhắc tới Hào Sĩ Phường chắc chẳng mấy ai biết ngoại trừ những người sinh sống hoặc lớn lên ở khu người Hoa quận 5. Bởi đây là một trong những con hẻm cổ nhất của Sài Gòn, nó tồn tại ở đó ngót nghét cũng đã hơn 100 năm với khoảng vài chục hộ dân cùng sinh sống trên 2 tầng lầu. Thoạt nhìn thì đôi chỗ kiến trúc của nó giống với các biệt thự cổ, nhưng cách mà các gia đình sinh sống lại giống như kiểu chung cư thời bây giờ, chỉ có điều là tất cả mọi thứ ở đây đều đã cũ kỹ, nhuốm màu của thời gian.
Thế nhưng chính vì cái sự "bạc màu" theo năm tháng ấy mà Hào Sĩ Phường đã trở thành chốn mang lại vô số nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ và cả những thợ nhiếp ảnh chuyên nghiệp.
Là nơi cất giữ và lưu dấu của thời gian, nên Hào Sĩ Phường thật sự là một nơi có thể sáng tác ra vô số bức ảnh đẹp mang hơi thở của Sài Gòn và đặc biệt là cuộc sống của cộng đồng người Hoa.
Vào khoảng năm 2017 - 2018, Hào Sĩ Phường liên tục xuất hiện trên các trang báo, trang tin và cả những trang chuyên đăng ảnh nổi tiếng, nào là "con hẻm chụp ảnh cổ đẹp nhất ở Sài Gòn", "con hẻm đậm chất Hongkong bên hông Chợ Lớn", "nơi nhất định bạn phải biết nếu muốn có một bộ ảnh đẹp mang phong cách vintage tại quận 5",... Một con phố cũ kỹ vốn cũng khá yên bình bất thình thình phải tiếp đón ngày càng nhiều vị khách lạ mặt đến chơi.
Là một người từng rất đam mê chụp ảnh, bạn K.H sống tại quận 10 chia sẻ: "Hồi năm 2017 mình thường xuyên tới đây để chụp ảnh cho các shop thời trang, rồi chụp chơi cho mấy người bạn. Lúc ấy chưa có nhiều người biết về con hẻm này nên khi thấy nhóm của mình tới chụp, mấy cô mấy chú sống quanh đây hầu như ai cũng vui vẻ nói chuyện, còn ngồi trước cửa nhà xem tụi mình chụp ảnh, chỉ cho góc nào chụp đẹp hơn. Dĩ nhiên cũng có vài gia đình khá khó tính, họ không thích người lạ đứng trước cửa nhà dòm dòm, ngó ngó nên tụi mình ghé vài lần hiểu ý thì sau này biết mà né nên chẳng có gì xảy ra.
Cô dâu chú rể hay cả khách du lịch nước ngoài họ cũng tìm tới theo các thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội.
Chỉ vài tháng sau, mình thấy dường như cả cái giới chụp ảnh ở Sài Gòn này kéo tới đây vậy. Đi đâu cũng thấy ảnh chụp ở Hào Sĩ Phường, nhìn nhiều quá thành "ngán" nên tụi mình chẳng còn hứng thú gì và đổi địa điểm khác. Cho đến thời gian gần đây mình nghe mấy em nhỏ bảo là tới đây chụp bị làm "gắt" lắm, nhiều lúc vác máy ảnh trên cổ chưa kịp làm gì đã bị chặn lại hỏi rồi đuổi ra khi biết mình không phải sống ở khu này. Nó khiến cho mình có một cảm giác rất hỗn độn..."
"Chúng tôi thấy quá phiền, đây là chỗ ở chứ không phải sân khấu!"
Đối với người thích chụp ảnh, mê cái đẹp, thích tìm hiểu văn hóa của Sài Gòn,... thì dĩ nhiên khi tìm được một địa điểm như Hào Sĩ Phường chắc chắn ai cũng sẽ thích đến phát mê, mong có một tác phẩm "để đời" lưu dấu tại góc phố cổ này. Nhưng việc gìn giữ và trân trọng nó thì không phải ai cũng biết.
Một ngày đẹp trời tình cờ đi ngang qua con hẻm này, tôi bỗng giật mình khi nhìn thấy tấm bảng "YÊU CẦU KHÔNG ĐƯỢC QUAY PHIM CHỤP HÌNH NƠI ĐÂY. CÁM ƠN!" nhấn thật mạnh và viết rõ to treo ngay đầu cầu thang như "chặn cửa" tất cả những ai có mục đích đến đây làm phiền đến cuộc sống của họ.
Bước vài bước vào sâu bên trong thì lại một tấm bảng khác với nội dung tương tự treo trên cao "đập" ngay tầm mắt. Có vẻ thấy tôi đang ngơ ngác cùng gương mặt lạ hoắc đứng ngẩn ngơ, một cô khá lớn tuổi đi ngang bảo: "Ở đây không cho chụp ảnh nữa đâu con" rồi cô sải bước chả buồn nhìn lại để biết biểu hiện của tôi là gì.
Đi bộ xuống tầng dưới tôi bắt gặp một chú đang ngồi trước cửa nhà cầm chiếc quạt tay vừa phẩy vừa nhìn khi thấy tôi bước lại. Tôi thật lòng hỏi chú tại sao ở đây không còn cho mọi người tới chụp ảnh nữa thì chú cũng đáp nhanh, đáp gọn rằng: "Mọi người thấy phiền, ở đây là chỗ để ở chứ đâu phải sân khấu đâu mà mấy đứa cứ tới nói chuyện ồn ào, thay đồ thay đạc vứt khắp nơi. Riết rồi dẹp luôn chứ vậy hoài sao chịu nổi".
Đứng một hồi chú lại chia sẻ tiếp: "Dân ở đây cũng thích mấy đứa tới lắm, lâu lâu thấy tụi trẻ tới chơi cũng vui. Nhiều đứa dễ thương tới chụp một chút rồi về, yên tĩnh, nhanh lẹ, thấy mấy cô mấy chú thưa gửi đàng hoàng. Còn nhiều đứa chán thôi không muốn nói, đi giữa trưa không cho ai ngủ nghê còn không có ý thức. Với lại thấy nhiều người lạ quá nên sau này bà con cấm luôn để còn đảm bảo an ninh".
Ngoài ra còn một lý do khác mà chúng tôi nghe cô H sống tại đây cho biết vì tình hình dịch Covid-19 vài tháng trước khá phức tạp nên cấm chụp hình để hạn chế người lạ lui tới.
Thật ra đây là điều không phải lạ bởi nó đâu phải mới xảy ra mà trước đây từng có không ít nơi nổi tiếng như: chung cư Tôn Thất Đạm, phố đèn lồng Lương Nhữ Học, chung cư Trần Hưng Đạo, hẻm 15B Lê Thánh Tôn,... đã phải căng bảng cấm, thậm chí có nơi bảo vệ dùng cả "thái độ" chẳng mấy vui khi thấy bất cứ ai cầm máy ảnh lảng vảng quanh khu vực của mình hoặc làm "căng" tới mức bảo rằng phải có giấy giới thiệu hoặc xác nhận của UBND phường thì mới đồng ý cho chụp ảnh.
Thế nhưng bây giờ điều này lại vẫn tiếp tục xảy ra thì lỗi là do ai và vấn đề là ở đâu? Trong khi nhiều bạn trẻ vẫn hay than vãn rằng: "Sài Gòn thiệt là thiếu chỗ chụp ảnh, loanh quanh chỉ có vài chỗ" nhưng khi có rồi thì chẳng trân trọng và gìn giữ nó, nhất là khi đấy còn là chỗ ở, sinh sống, nghỉ ngơi của hàng chục hộ dân và hàng trăm người.
Bạn được tự do bày tỏ quan điểm nhưng nghiêm cấm spam