Hit – Khái niệm mơ hồ, tùy tâm của thị trường nhạc Việt?
Đường đua với đích đến là một ca khúc hit sẽ cần một phần thưởng danh giá để tôn vinh người chiến thắng. Và thị trường nhạc Việt đang rất cần một bảng xếp hạng làm thước đo để cuộc đua ấy có một vạch đích thực sự xứng đáng cho mỗi nghệ sĩ.
"Tất nhiên hit rất quan trọng. Ca sĩ nào cũng cần hit". Đây là câu nói của Hoàng Thùy Linh trong một bài phỏng vấn mới đây cùng Kenh14. Điều này đúng với không riêng thị trường nhạc Việt, mà với bất kỳ nền âm nhạc nào trên thế giới đều vậy.
Thị trường nhạc Việt trong những năm gần đây, đặc biệt là giai đoạn 2018-2020 có thể xem là bùng nổ và tăng tốc về cả số lượng tác phẩm lẫn mức độ phong phú, rầm rộ của chất liệu âm nhạc và hình ảnh. Nhưng nếu đặt một câu hỏi: ca khúc nào là hit, ca khúc nào không, đáng buồn là chúng ta lại nhận được khá nhiều phân vân và bối rối từ khán giả.
Nhìn lại tất cả những Để Mị Nói Cho Mà Nghe, Tự Tâm, Hãy Trao Cho Anh, Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp, Anh Đang Ở Đâu Đấy Anh, em bỏ hút thuốc chưa?, hai triệu năm, Em Không Sai Chúng Ta Sai, Đen Đá Không Đường,.. và vài chục ca khúc nổi bật khác từng "hoành hành" Top Trending và phủ sóng khắp mạng xã hội, thật khó để có câu trả lời chắc chắn, khẳng định rằng ca khúc nào là hit, ca khúc nào không.
Đã từng có lúc, Top 1 Trending được xem như một thành tích đáng "thèm muốn" mà mọi ca sĩ Việt đều cố gắng đạt được. Tất nhiên trong một thị trường không nhiều những bảng xếp hạng được quan tâm, vị trí No.1 từ một nền tảng xem video lớn nhất thế giới như YouTube là chiếc huân chương mà nghệ sĩ nào cũng muốn đính vào sản phẩm trở lại của mình.
Và để đứng được ở vị trí số 1 trên YouTube không phải thành tích dễ dàng, nhất là ở thị trường ưa chuộng YouTube như Việt Nam. Ví dụ ở Hàn, lượng người xem YouTube không nhiều, nên một video chỉ cần vài trăm nghìn lượt xem cũng có thể vào Top Trending. Còn Top 1 Trending của Việt Nam thì con số đó phải tính theo triệu, thậm chí vài chục triệu view mới đủ "số má" cạnh tranh đầu bảng.
Nhưng rất nhanh chóng, cả nghệ sĩ lẫn công chúng Việt giờ đây đều đã nhận ra Top Trending YouTube chẳng nói lên được mấy về độ hit của ca khúc. Rất nhiều ca khúc chưa từng chạm vào vị trí cao nhất của Top Trending, như Anh Nhà Ở Đâu Thế chỉ dừng chân ở Top 3, lại trở thành một trong những ca khúc nổi bật nhất năm, bắt gặp nghe được ở khắp mọi nơi, và lượt xem lẫn lượt nghe gấp 7-10 lần nhiều ca khúc khác từng vẻ vang Top 1.
Một yếu tố thường được netizen dùng để nhận định sức nóng của một ca khúc, là cứ mở mạng xã hội lên là thấy, "viral rần rần". "Rần rần" ở đây là chúng ta sẽ thấy tràn ngập ảnh chế, hình ảnh cắt từ MV, hay ca từ lyric trở thành cảm hứng "meme", "troll", "parody" khắp các trang mạng xã hội.
Hãy thử nhìn xem, mỗi một lần Hương Giang comeback với MV mới trong series #ADODDA là một lần mang đến trend mới cho cư dân mạng. Những hình ảnh, đoạn trích, lời thoại trong series đình đám này len lỏi khắp các cuộc hội thoại, từ học đường cho tới giới văn phòng thuộc nhiều ngành nghề,… Bích Phương cũng là một "nữ hoàng meme" khi hầu như các sản phẩm âm nhạc của nữ ca sĩ đều trở thành trend trên mạng xã hội, từ "đu đưa" hay em bỏ hút thuốc chưa? đều trở thành cảm hứng sáng tạo vô bờ bến cho giới trẻ.
Một ca khúc hit, đi vào đời sống, thì khả năng rất cao là sẽ viral. Nhưng một sản phẩm viral, liệu có thể khẳng định nó là hit không? Chưa chắc.
Một người trong nghề từng nhận định: "Dù không được khẳng định chính thức, nhưng các ê-kíp truyền thông cho ca sĩ đều rỉ tai nhau rằng, một ca khúc càng được bàn tán nhiều trên truyền thông và mạng xã hội thì càng dễ lên Top 1 Trending hơn. Đó là lý do tại sao nhiều ca khúc view rất cao nhưng thứ hạng Trending lại thua ca khúc view thấp mà có độ bàn tán xôm tụ. Thế nên hiện tại, nghệ sĩ rất chịu chi ngân sách cho các kênh mạng xã hội để viral bằng được sản phẩm của mình, và tất nhiên lời bài hát, nội dung tình tiết MV cũng được cố gắng sáng tạo làm sao dễ viral nhất có thể".
Không khó để nhận thấy sản phẩm trở lại nào được đầu tư hoành tráng, thì độ phủ sóng mạng xã hội của nó cũng không hề nhỏ. Trong hoàn cảnh mà chủ đề lịch sử còn ít được khai thác, Hòa Minzy đã trau chuốt, đầu tư tiền tỷ cho một kịch bản MV khai thác câu chuyện Nam Phương Hoàng Hậu. Kết hợp yếu tố "Tuesday" quen thuộc với câu chuyện lịch sử Nam Phương vừa quen vừa lạ, sản phẩm đã cực kỳ thành công trên mạng xã hội. Chưa bao giờ toàn bộ thông tin lịch sử của một thời kỳ lại được quan tâm, tìm hiểu thảo luận sôi nổi đến thế. Hay Nguyễn Trần Trung Quân táo bạo chọn thể loại cổ trang, đam mỹ cho MV của mình cũng tạo nên sức viral, hình thành độ phủ sóng lớn cho sản phẩm trên mạng xã hội.
Thế nhưng một sản phẩm viral mạng xã hội cũng chưa chắc đã là hit. Viral là câu chuyện của marketing, thậm chí là "seeding" bài bản và có công thức để tạo ra. Phải có lý do liên quan đến thành tích social thì Chi Pu thì mới mời Ngọc Trinh đóng MV Cung Đàn Vỡ Đôi, hay Hoàng Thùy Linh mời Hậu Hoàng và diễn viên Khánh Vân vào MV Kẻ Cắp Gặp Bà Già,… Áp lực viral và trending góp phần tác động đến việc nghệ sĩ có những cân nhắc nào về ý tưởng bài hát, nội dung MV, tình tiết, khách mời,... làm sao cho dễ viral nhất; thậm chí có ngân sách và kế hoạch truyền thông mạng xã hội giúp sản phẩm phải "rần rần" mọi fanpage đình đám, tạo cảm giác "nóng" và như thế dễ leo hạng hơn.
Nhưng dù kỳ công đến đâu, độ viral chỉ là yếu tố thuận lợi bôi trơn để ca khúc dễ được biết đến, dễ được "nếm thử". Khi xu hướng nhất thời đã qua đi, nếu ca khúc không cùng tần sóng yêu thích của khán giả, sản phẩm đó sẽ nhanh chóng bị lãng quên giữa một loạt những làn sóng viral mới.
Dù đình đám đến thế, thì lượt xem của các MV từ Hương Giang, Hòa Minzy, Nguyễn Trần Trung Quân, dẫu không hề nhỏ, nhưng lại kém một quãng xa so với Hoa Nở Không Màu của Hoài Lâm – một ca khúc khá đơn giản, chẳng có nội dung hay hình ảnh lời lẽ gì để viral. Vì đến tận cùng, những gì viral có thể là một tình tiết, một câu chuyện hậu trường nào đó làm người ta quan tâm, chứ chẳng phải là giai điệu ca khúc – thứ thực sự định nghĩa một bài hát hit.
Erik có thể xem là một ví dụ nổi bật vì là ca sĩ trẻ sở hữu nhiều ca khúc viral khắp mạng xã hội. Nam ca sĩ cũng thừa nhận trong một bài phỏng vấn, rằng mỗi lần lên ý tưởng cho sản phẩm mới, anh sẽ tìm hiểu trên mạng xã hội những gì đang là xu hướng, các bạn trẻ đang có những tâm tư gì, cách viết một status làm sao, để bài hát của mình có lời ca phù hợp cho khán giả trích đăng Facebook, hay sáng tạo nên điệu nhảy hot trên Tik Tok được nhiều bạn trẻ yêu thích,…
Không khó để nhận ra, một trong những lý do tăng tốc cho độ nóng của hit mới nhất Em Không Sai Chúng Ta Sai chính là vũ đạo ấn tượng, tạo thành một trend cover rầm rộ. Nhắc đến đây, không thể không nói đến các phiên bản cover – một tiêu chí đáng xét đến khi đo độ nóng cho một sản phẩm âm nhạc.
Ở Việt Nam, cover cũng là một trào lưu: nhiều kênh YouTube chọn cover làm hướng phát triển, các đồng nghiệp cũng cover bài hát của nhau, còn dance cover ở phố đi bộ của các nhóm nhảy đã trở thành điểm nhấn đối với fan Việt lẫn fan quốc tế,… Một ca khúc hit được yêu thích sẽ có vô số bản cover và dance cover, bản nào cũng có lượt xem khủng đáng gờm. Nhưng cũng như chuyện viral, thước đo này chỉ dừng ở mức độ tương đối.
Bản thân Erik khi phát hành ca khúc Có Tất Cả Nhưng Thiếu Anh, dù nổ ra "tranh cãi" khi Hương Ly cover bài hát này và "vô tình" làm lộ bí mật kinh doanh, nhưng thông qua đó khán giả cũng biết được rằng, bản thân ê-kíp của nghệ sĩ cũng có chiến lược chủ động để bài hát được cover trên các kênh đình đám, giúp viral nhất có thể.
Từ đó có thể thấy rằng Vpop nên "cẩn thận" hơn trong các khái niệm, bởi MV có thể viral, Trending, nhưng chưa chắc ca khúc đó đã là hit. Đây là thực tế. Được cover nhiều, rầm rộ trên mạng xã hội, lượt view YouTube cao... – hãy tỉnh táo nhìn nhận đây mới chỉ là những khía cạnh cho thấy bài hát đó được quan tâm vào thời điểm ra mắt.
Vậy hit, thước đo nào để chứng minh?
Katy Perry là một nghệ sĩ tài năng, nhưng giới âm nhạc vẫn hay cảm thán vì tiếc cho nữ ca sĩ khi rất lâu rồi cô không có một ca khúc nào chạm được No.1 Billboard. Ở Mỹ, No.1 Billboard vẫn đang được xem là thước đo minh chứng cho quyền lực của nghệ sĩ với người nghe, xem lần trở lại của người ấy thành công hay không. Bên cạnh số lượng giải thưởng, nghệ sĩ cũng nhìn số lần No.1 của nhau mà nói chuyện địa vị. Ariana Grande dù đạt thành tích Top ở YouTube, nhưng điều giúp cô tạo thương hiệu là khi âm nhạc của Ariana "phá đảo" Billboard Hot 100.
Dù có độ chính xác cao hơn hẳn, nhưng tất nhiên No.1 cũng có những yếu tố khách quan của "thiên thời địa lợi nhân hòa". Nhưng khi có một bảng xếp hạng âm nhạc, thì câu chuyện hit hay không hit có thể được đánh giá rất dễ dàng: hoặc bạn phải được No.1 bảng xếp hạng từ một cho tới vài tuần nhất định, hoặc bạn là một sleeper hit cứ "ăn dầm nằm dề" trong Top một thời gian không rời.
Không chỉ US-UK, ngay cả ở Kpop nếu nhìn đến hit quốc dân chúng ta cũng phải bàn về mức độ trụ hạng. Địa vị của các ca sĩ hay nhóm nhạc Top đầu đều đến nhờ những ca khúc "quốc dân" trụ hạng lâu bền trên bảng xếp hạng. MV của IU có thể không có kỷ lục lớn nhất hay Trending rầm rộ nhất, nhưng IU cứ comeback là cầm chắc Perfect All-kill – danh hiệu "khó nhai" nhất trên các bảng xếp hạng âm nhạc. Từng có nhận định nhạc của cô có thể xem là gout nhạc của người dân Hàn Quốc.
Wonder Girls từng có một thời kỳ đỉnh cao với Tell Me trụ Top 10 đến 17 tuần, Nobody 16 tuần và So Hot 14 tuần. Gee mãi mãi là cột mốc khởi đầu cho hào quang tường thành của SNSD khi trụ top 14 tuần. TWICE cũng mang về danh hiệu không suy suyển nhờ Cheer Up vững vàng trong Top 10 tận 14 tuần ngang ngửa Gee. EXID lội ngược dòng cực xuất sắc bên bờ vực tan rã khi có Up and Down trụ trong Top 13 tuần liên tiếp.
Thứ hạng lâu dài chính là giá trị thực sự của một ca khúc sau khi các yếu tố truyền thông, marketing "hoàn thành nhiệm vụ", còn MV sau thời gian cũng trôi khỏi Top Trending, mất đi tính xu hướng của mình. Ca khúc được nghe nhiều chắc chắn sẽ ở lại lâu dài trong playlist của khán giả cũng như thứ hạng trên một bảng xếp hạng dành riêng cho âm nhạc. Nếu có một bảng xếp hạng uy tín, thì câu chuyện tìm ra một ca khúc hit sẽ dễ nhìn thấy hơn rất nhiều.
Nhưng Vpop đang có tình trạng phân mảnh các nền tảng âm nhạc, như chính quản lý nghệ sĩ, nhà sản xuất Aiden Nguyễn nhận định. Các ca khúc tản mát trên nhiều ứng dụng, nhiều nền tảng âm nhạc khác nhau, bảng xếp hạng được chờ đón thì khan hiếm. Đường đua với đích đến là một ca khúc hit sẽ cần một phần thưởng danh giá để tôn vinh người chiến thắng. Và thị trường nhạc Việt đang rất cần một bảng xếp hạng làm thước đo để cuộc đua ấy có một vạch đích thực sự xứng đáng cho mỗi nghệ sĩ.
Nguồn ảnh: Internet
Bạn được tự do bày tỏ quan điểm nhưng nghiêm cấm spam