• Chia sẻ qua Zalo
  • Chia sẻ FB
  • Góp ý & Báo lỗi
  • Bình luận0

Phạm Quỳnh Anh: 'Đừng nhầm lẫn cống hiến bằng tiền thì mới là tận tâm với nghề, còn ít tiền là lỗi thời'

Đối diện với độc giả trong bài phỏng vấn này, Phạm Quỳnh Anh sẽ chỉ là Phạm Quỳnh Anh - người phụ nữ mạnh mẽ, văn minh trong tình yêu và người nghệ sĩ lâu năm dám nói thẳng, nhìn thẳng vào thực tế của thị trường nhạc Việt.

Từng làm ngôi sao, làm vợ, làm mẹ, làm quản lý công ty và giờ lại quay trở về làm một nghệ sĩ, cuộc đời của Phạm Quỳnh Anh có quá nhiều bước ngoặt khiến người khác tò mò. Hơn 2 thập kỷ hoạt động âm nhạc, Phạm Quỳnh Anh đã đi từ đỉnh cao này tới đỉnh cao khác: thành viên của nhóm nhạc nữ hàng đầu Vpop những năm 2000 - H.A.T, "nữ hoàng ballad" của thế hệ 8x và người đồng hành thân cận nhất của "ông chủ" WePro Entertainment - công ty giải trí đã làm việc cùng Ưng Hoàng Phúc, Sơn Tùng M-TP, Hoàng Thuỳ Linh…

Trò chuyện cùng Phạm Quỳnh Anh, tức là bóc tách tầng tầng lớp lớp những vị trí mà cô ấy từng thuộc về. Nhưng đối diện với độc giả trong bài phỏng vấn này, Phạm Quỳnh Anh sẽ chỉ là Phạm Quỳnh Anh - người phụ nữ mạnh mẽ trong tình yêu và người nghệ sĩ lâu năm dám nói thẳng, nhìn thẳng vào thực tế của thị trường nhạc Việt.

Phạm Quỳnh Anh: "Nếu đã đến với nhau bằng âm nhạc thì đừng quan tâm bao nhiêu tiền"

Phạm Quỳnh Anh: Đừng nhầm lẫn cống hiến bằng tiền thì mới là tận tâm với nghề, còn ít tiền là lỗi thời - Ảnh 2.

Ca khúc Nói Với Người Đến Sau có rất nhiều chất liệu tốt từ âm nhạc đến câu chuyện để làm một MV drama ra trò. Tại sao chị lại không đầu tư?

Tôi không bao giờ phải đau đầu nghĩ sản phẩm mới cần làm chiêu trò gì để vào Top Trending bây giờ? Giữa mùa COVID-19, tất cả mọi thứ phải dừng lại, nghệ sĩ ra mắt sản phẩm đã là điều đáng trân trọng. Thực tế, ngay lúc này tiền không dám xài, shopping cũng không luôn, tôi còn phải dành tiền cho nhà mới. Tại sao xem MV trên YouTube - một nền tảng miễn phí nhưng lại yêu cầu nghệ sĩ phải ra mắt sản phẩm tiền tỷ?

Tôi trân trọng khán giả của mình, thực lực bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Sản phẩm vài trăm triệu hay vài triệu không có nghĩa là thiếu nghiêm túc. Chúng ta đến với nhau bằng âm nhạc thì đừng nghĩ về tiền. Khán giả có thể thích hoặc không thích ca khúc Nói Với Người Đến Sau nhưng đừng nói MV này đơn giản. Vài trăm triệu thì sao? Đó cũng là tiền mà.

Nói thật, tôi ra mắt sản phẩm trong tâm thế bình thản, nhẹ nhàng. Dù có sự đầu tư nhưng không dựa vào chiêu trò để sản phẩm của mình lên hạng. Thứ hạng ấy chỉ trụ lại trong lòng khán giả tầm 1 tuần thôi, sau đó họ bận quan tâm đến những điều khác rồi thì việc chiêu trò, đánh đổi mọi thứ có xứng đáng hay không?

Phạm Quỳnh Anh: Đừng nhầm lẫn cống hiến bằng tiền thì mới là tận tâm với nghề, còn ít tiền là lỗi thời - Ảnh 3.

Nhưng một nghệ sĩ đang hoạt động âm nhạc ở thời điểm hiện tại như chị, dù tuổi nghề, tuổi đời là bao nhiêu thì cũng không thể tránh khỏi việc nằm ngoài cuộc đua Top Trending YouTube và bị so sánh?

Tôi vẫn rất bình tĩnh dù bản thân phải cố gắng gấp 3, 4 lần các bạn trẻ để có được một chỗ đứng giữa thời đại 4.0. Tuy dòng nhạc tôi theo đuổi không phải xu hướng R&B, Rap nhưng chỉ cần mình thực sự tận tâm với nghề thì ballad vẫn có chỗ đứng nhất định với khán giả. Họ không thể nào ăn mãi những món vui tươi, tích cực, xập xình được mà cũng cần những lúc trải lòng.

Bây giờ, một sản phẩm ra đời mà không lọt Top Trending thì không được đánh giá cao hoặc không ở vị trí được khán giả yêu thích. Đó là suy nghĩ rất chủ quan. Khi tôi ra mắt Nói Với Người Đến Sau, có một khán giả bình luận trên YouTube rằng: "Sản phẩm của Phạm Quỳnh Anh không nổi trội trên Top Trending nhưng sẽ nằm sâu trong lòng khán giả". Tôi đồng tình.

Nếu sản phẩm được yêu thích một cách bền bỉ, dai dẳng theo thời gian và ở trong lòng khán giả thật lâu thì mới là con đường đúng đắn của người nghệ sĩ. Khi nào bài hát của tôi sơ sài, khán giả quay lưng, tôi không còn nhiệt huyết nữa thì tôi sẽ tự chuyển sang một công việc khác. Hiện tại, tôi muốn tiếp tục làm âm nhạc vì khán giả của mình, không phải vì mình cần phải chạy đua với ai cả.

Phạm Quỳnh Anh: Đừng nhầm lẫn cống hiến bằng tiền thì mới là tận tâm với nghề, còn ít tiền là lỗi thời - Ảnh 4.

Vậy tức là với chị, nghệ sĩ chỉ được công nhận thông qua khán giả của mình?

Đánh giá người nghệ sĩ bằng Top Trending thì không công bằng cho tất cả. Có những nghệ sĩ không cần Top Trending và YouTube, họ vẫn có sân chơi của mình, có khán giả bỏ nhiều tiền xem họ hát mà không cần ngồi trước màn hình để "cày" view. Tại sao chúng ta phải dùng thước YouTube để đo?

Bây giờ, tôi đọc vài bài báo và lắng nghe quan điểm của một số nghệ sĩ, tôi cảm thấy không đúng. Em có điều kiện bao nhiêu, đầu tư bấy nhiêu, miễn sao em nghiêm túc với nghề là được. Em có nhiều tiền thì tìm được một ê-kíp xịn bày thật nhiều trò cho sản phẩm của em. Nhưng bản thân tôi không thể nào mang hết số tiền mình đang có để dốc vào một sản phẩm khi cuộc sống của tôi còn rất nhiều điều phải lo.

Gần 40 tuổi, tôi không thể mang hết số tiền mình có, đầu tư tới 3 tỷ, 4 tỷ cho một sản phẩm trong khi còn phải đóng tiền học cho con. Khi sản phẩm không phải tiền tỷ, vào Top Trending, đừng đánh giá nó lỗi thời. Suy nghĩ chủ quan ấy khiến nhiều anh chị em nghệ sĩ lão làng cảm thấy phật lòng.

Phạm Quỳnh Anh: Đừng nhầm lẫn cống hiến bằng tiền thì mới là tận tâm với nghề, còn ít tiền là lỗi thời - Ảnh 5.

Nghịch lý đang tồn tại ở thị trường nhạc Việt là hình ảnh phải hoành tráng, câu chuyện phải ly kỳ và giá tiền cũng phải cao đến mức… lấn át luôn âm nhạc?

Tôi là một người thực tế nhưng tôi không đồng ý với chuyện mỗi lần ra mắt sản phẩm lại phải nói giá tiền. Nếu chịu chơi, khán giả sẽ tự đánh giá sản phẩm đó và tưởng tượng mức kinh phí. Còn nghệ sĩ đã chơi thì đừng nói đến tiền. Sau này, nếu tôi giàu có và để dành được một khoản tiền cho con cái rồi thì tôi sẽ chơi với âm nhạc và không bao giờ nói là bao nhiêu tỷ. Tiền có quan trọng hay không? Khán giả chỉ cần thấy sự cống hiến của mình thôi.

Đừng nhầm lẫn cống hiến bằng tiền thì mới là tận tâm với nghề, còn cống hiến ít tiền là lỗi thời. Mỗi người có nhiều cách kiếm tiền, miễn sao đồng tiền chúng tôi đưa vào sản phẩm là tiền sạch, nghiêm túc. Còn bạn kiếm tiền bằng cách nào thì tôi không biết. Mong rằng không ai tiếp tục đưa ra những so sánh về tiền bạc trong các sản phẩm âm nhạc để các đồng nghiệp nhìn nhau bằng con mắt không có sự tôn trọng.

Phạm Quỳnh Anh: Đừng nhầm lẫn cống hiến bằng tiền thì mới là tận tâm với nghề, còn ít tiền là lỗi thời - Ảnh 6.

Việc nghệ sĩ nói về kinh phí làm sản phẩm quá nhiều cũng vô tình tạo ra một thói quen không tốt cho khán giả Việt. Đó là thưởng thức âm nhạc dựa trên mức độ đầu tư Music Video?

Ai làm sản phẩm như thế nào, bằng hình thức như thế nào, họ đều có lý do riêng và chúng ta tôn trọng điều đấy. Nhưng không thể phủ nhận, chúng ta làm nghệ sĩ, làm ca sĩ thì điều tiên quyết là bài hát phải hay. Tất cả những khâu từ làm Music Video, truyền thông cho sản phẩm đều là yếu tố bổ trợ cho bài hát. Càng nhiều cách làm khác nhau thì người được hưởng nhất vẫn là khán giả. Tôi chỉ mong khi các bạn làm nghề, các bạn đừng nói rằng nghệ sĩ không biến hoá, không đầu tư nhiều là thiếu tôn trọng khán giả và không nghiêm túc với nghề. Nói gì thì cũng cần trông đằng trước, đằng sau, nhìn thế hệ đi trước và những đàn anh, đàn chị của mình nữa.

Phạm Quỳnh Anh: Đừng nhầm lẫn cống hiến bằng tiền thì mới là tận tâm với nghề, còn ít tiền là lỗi thời - Ảnh 7.
Phạm Quỳnh Anh: Đừng nhầm lẫn cống hiến bằng tiền thì mới là tận tâm với nghề, còn ít tiền là lỗi thời - Ảnh 8.

Khi chị nói "nghệ sĩ không biến hoá" sẽ dễ khiến mọi người liên tưởng đến câu chuyện hát ballad là "một màu" và nghệ sĩ tìm đến ballad vì cần hit. Là một "nữ hoàng ballad", thậm chí trung thành với dòng nhạc này sau hơn 20 năm hoạt động, chị có thấy chạnh lòng?

Đó là chiến lược của mỗi người. Nếu sau một thời gian làm cái này, nghệ sĩ muốn thử cái khác thì cũng là sự lựa chọn của bạn. Bích Phương đã rất thành công và đi một con đường rất đúng đắn dù không còn hát ballad nữa. Đối với tôi, dù tôi chân thành và trung thành khi theo đuổi ballad, nhưng tôi cũng có chiến lược. Đừng nghĩ làm như thế này là quá đơn giản. Cùng một dòng nhạc, thậm chí một ca khúc, cuối cùng khán giả chọn nghe ai hát mới là điều quan trọng.

Những người thực sự có trải nghiệm về cuộc đời sẽ hát ballad thấm hơn những người chỉ mượn ca khúc buồn để hát. Hoài Lâm ngồi hát Hoa Nở Không Màu với tiếng đàn guitar vẫn vào Top Trending được mà. Khi nghệ sĩ thả tâm tư của họ vào bài hát, chẳng cần MV tiền tỷ, đó vẫn là một bài hát hay. Nghệ sĩ là những người trải nghiệm, nếu không có đau khổ thì không phải cuộc đời. Câu chuyện của người nào nhuốm màu đau thương nhiều hơn, câu chuyện đó sẽ chạm đến trái tim khán giả nhiều hơn.

Phạm Quỳnh Anh: Đừng nhầm lẫn cống hiến bằng tiền thì mới là tận tâm với nghề, còn ít tiền là lỗi thời - Ảnh 9.

Nhưng Phạm Quỳnh Anh đã có quá nhiều ca khúc đau khổ rồi, đến mức người ta bảo chị hát nhạc buồn "vận vào đời"?

Đó là câu mà tôi được nghe nhiều nhất trong vòng mười mấy năm qua. Tôi cũng nghĩ tại sao mình không hát bài vui để "vận" vào cuộc đời mình nhiều hơn? Và tôi đã phát hành sản phẩm Xiêu Lòng nói về một cuộc tình rất đẹp, hạnh phúc màu hồng. Nhưng sau đó tôi thấy gu của mình không phải gặp phát là yêu như vậy mà tình cảm vẫn phải được nuôi dần theo năm tháng. Tôi không còn trẻ như những cô gái đôi mươi để có một tình yêu sét đánh, tôi cũng phải lựa chọn người đàn ông sẽ hiểu chính cuộc sống của mình.

Xiêu Lòng là một minh chứng để tôi không còn ngại hát những ca khúc buồn sẽ "vận" vào cuộc đời mình. Tôi cho rằng đó là một sứ mệnh, khi mình dùng âm nhạc để chia sẻ với những người phụ nữ xung quanh. Có thể hạnh phúc hay nỗi buồn không "vận" vào đời tôi, nhưng những ca khúc này sẽ "vận" vào bản thân tôi cách ứng xử cao thượng. Ngày hôm nay, tôi hát Nói Với Người Đến Sau thì ở ngoài đời thật, tôi cũng cởi mở, chia sẻ với họ.

Phạm Quỳnh Anh: Đừng nhầm lẫn cống hiến bằng tiền thì mới là tận tâm với nghề, còn ít tiền là lỗi thời - Ảnh 10.

Giữa lúc rất nhiều MV đình đám khai thác đề tài người thứ ba drama rất thành công thì chị lại đem vào sản phẩm của mình cách nhìn cởi mở, cao thượng với người đến sau?

Người đến sau trong bài hát của tôi hoàn toàn khác với người thứ ba. Người thứ ba là người xen vào một mối quan hệ, còn người đến sau là người đang đồng hành với người cũ của mình. Rõ ràng nếu câu chuyện về người thứ ba thì không ai trong chúng ta cao thượng được như thế.

Trong hoàn cảnh của tôi, nếu không phải vì những đứa con thì người cũ và tôi cũng không còn liên quan gì đến cuộc đời nhau nữa. Nhưng hiện tại, chúng tôi vẫn phải tiếp xúc hàng ngày thông qua con cái, vậy thì cảm giác của người đến sau của tôi, của đối phương sẽ như thế nào? Họ sẽ bất an chứ, vì người cũ cứ liên tục xuất hiện xung quanh người mà họ đang yêu thương. Tôi không biết đó sẽ là ai, nhưng nếu gặp người đến sau thì tôi sẵn sàng làm bạn cùng họ. Đôi khi, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm tạo ra mối quan hệ vui vẻ cho cả ba bên để có thể trao đổi thoải mái với người đến sau về hai đứa con của mình.

Phạm Quỳnh Anh: Đừng nhầm lẫn cống hiến bằng tiền thì mới là tận tâm với nghề, còn ít tiền là lỗi thời - Ảnh 11.
Phạm Quỳnh Anh: Đừng nhầm lẫn cống hiến bằng tiền thì mới là tận tâm với nghề, còn ít tiền là lỗi thời - Ảnh 12.

Có phải Việt Nam đang thiếu một nơi chỉ dành cho âm nhạc, không còn những cuộc chạy đua tiền tỷ?

Nếu khán giả quan tâm đến sản phẩm và nó vào Top Trending, tôi vẫn vui. Nhưng Top Trending không phải là thước đo cho tất cả các sản phẩm của nghệ sĩ, trên đó cũng có những clip nhảm. Top Trending chỉ là nơi thông báo cho bạn biết ngay lúc này, sản phẩm của bạn được nhiều người xem. Những clip hài, chế vui vẻ cũng được lên Top Trending nếu có nhiều người xem nên không việc gì phải đặt cột mốc cứ vào Top Trending mới là được khán giả ghi nhận. Tôi tin rằng Nói Với Người Đến Sau là một bài hát được mọi người yêu thương, đi cùng khán giả theo thời gian.

Phạm Quỳnh Anh: Đừng nhầm lẫn cống hiến bằng tiền thì mới là tận tâm với nghề, còn ít tiền là lỗi thời - Ảnh 13.

Nhưng có thước đo nào thể hiện sức sống của một ca khúc trong lòng khán giả?

Bằng lượt nghe nhạc trên các trang nhạc số, hoặc bằng lượt view trên kênh YouTube của mình. Hàng tháng, YouTube trả về cho tôi doanh thu cao, chứng tỏ những sản phẩm tôi ra mắt vẫn tăng view đều đặn. Tức là mình hát có người nghe, chứ không phải tôi tự bỏ tiền đi mua view về nhìn cho vui đâu. Tôi không cần Top 1 Trending vì tôi không còn trên hành trình định hình tên tuổi của mình nữa.

Mỗi lần ra mắt sản phẩm, rất nhiều đơn vị cung cấp view ảo, tăng like liên hệ. Tôi không bao giờ cho phép ê-kíp của mình làm điều đó. Hai mươi mấy triệu đồng mua được 1 triệu view, nhưng để làm gì? Tại sao phải mua cái thực tế ảo đó cho mình? Ngồi đếm số view thật sẽ sung sướng biết bao nhiêu. Nhưng chắc có nhiều người vẫn chọn mua như thế nên các công ty đó mới tồn tại.

Phạm Quỳnh Anh: Đừng nhầm lẫn cống hiến bằng tiền thì mới là tận tâm với nghề, còn ít tiền là lỗi thời - Ảnh 14.

Vậy ở thời của chị, khi còn trong giai đoạn định hình và xây dựng tên tuổi, chị đã cạnh tranh ở đâu?

Ngày xưa, anh Huy sẽ định hình chiến lược cho tất cả mọi người. Tôi làm nghệ sĩ vô cùng sung sướng. Ngủ trễ, thức dậy như một ngôi sao, ăn ngon rồi vào phòng thu, tối đi diễn. Cuộc sống chỉ có âm nhạc. Ngày xưa cũng làm gì có Top Trending để đi canh YouTube. Cuộc sống trong lành lắm. Đến bây giờ, tôi cảm thấy mình vẫn làm nghề rất trong sáng, không cần tất cả mọi người phải đón nhận sản phẩm của mình theo cách nó là xuất sắc nhất.

Phạm Quỳnh Anh: Đừng nhầm lẫn cống hiến bằng tiền thì mới là tận tâm với nghề, còn ít tiền là lỗi thời - Ảnh 15.
Phạm Quỳnh Anh: Đừng nhầm lẫn cống hiến bằng tiền thì mới là tận tâm với nghề, còn ít tiền là lỗi thời - Ảnh 16.

Nói về anh Nguyễn Quang Huy, tức là nhắc đến cả một thời kỳ hoàng kim của WePro Entertainment. Đã từng là một người cùng anh Huy quản lý WePro, chị nghĩ vì sao mô hình công ty giải trí, quản lý nghệ sĩ ở Việt Nam chưa thể phát triển hơn?

Quản lý con người tức là quản lý cảm xúc của họ. Nghệ sĩ thì cảm xúc không bình thường tí nào, sáng nắng, chiều mưa, đang vui tự dưng lại buồn. Sâu thẳm trong mỗi công ty sẽ có những vấn đề riêng. Với mỗi người lãnh đạo, việc khiến nghệ sĩ của mình đồng lòng, kiên nhẫn đi theo con đường mình vạch ra đã là khó khăn lớn rồi. 

Có khi người lãnh đạo vẽ ra một lộ trình 5 năm nhưng kiên nhẫn của người nghệ sĩ ấy không đủ, chỉ 1 - 2 năm là họ đã muốn lên sân khấu rồi, không được lên diễn thì họ nghỉ, đi chỗ khác tự làm. Vì sao ở Hàn Quốc thường tuyển ngôi sao từ mười mấy tuổi rồi mất tới 10 năm mới debut? Tôi nghĩ vấn đề chủ chốt trong công nghệ đào tạo nghệ sĩ ở Việt Nam là sự kiên nhẫn của người nghệ sĩ còn hơi ít. Họ vội vàng.

Phạm Quỳnh Anh: Đừng nhầm lẫn cống hiến bằng tiền thì mới là tận tâm với nghề, còn ít tiền là lỗi thời - Ảnh 17.

WePro đã đào tạo ra rất nhiều nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam, thuộc nhiều thế hệ nhưng cho tới hiện tại, tất cả đều không ở lại với công ty. Nguyên do có đến từ sự vội vàng, thiếu kiên nhẫn như chị vừa nói?

Lý do nằm ở tâm lý của mỗi người. Tôi không thể giải đáp chuyện này. Nhưng tôi tin rằng WePro là một đơn vị rất cố gắng trong công cuộc thay đổi diện mạo ngành giải trí. Tôi từng rất sát sườn với anh Huy nên có thể khẳng định anh Huy rất tâm huyết, có lý tưởng, đôi khi còn chơi khô máu luôn. Anh ấy sẽ mang toàn bộ những gì mình có chỉ để làm được một điều gì đó cho nền giải trí Việt Nam.

Tôi vẫn còn giữ mối quan hệ với tất cả mọi người: anh Ưng Hoàng Phúc, H.A.T, WePro, hay Quang Huy là một gia đình, không thể thay đổi. Bởi vì họ đã từng làm nên rất nhiều thứ trong quá khứ của mình. Tôi nghĩ rằng một người tốt, một người tử tế với cuộc đời là một người biết trân trọng quá khứ, trân trọng những người đã đến với cuộc đời mình.

Phạm Quỳnh Anh: Đừng nhầm lẫn cống hiến bằng tiền thì mới là tận tâm với nghề, còn ít tiền là lỗi thời - Ảnh 18.

Còn Sơn Tùng M-TP thì sao? Chị có theo dõi hành trình của bạn ấy không?

Chúng tôi vẫn nhắn tin cho nhau, không cần phải gặp gỡ nhiều. Lâu lâu hỏi thăm nhau, bạn ấy ra sản phẩm gì thì tôi chúc mừng, rồi cũng có hẹn khi nào rảnh thì sắp xếp một buổi cà phê. Tôi vẫn dõi theo Sơn Tùng, bởi vì bạn ấy đang ngày càng chứng tỏ mình là người có quan điểm về nghề rất nghiêm túc, đúng với những gì tôi tưởng tượng.

Tùng không phải dạng vừa, hãy nhớ là bạn ấy còn chưa bước qua tuổi 30 nữa, mà sự cống hiến của bạn ấy với nền giải trí này mọi người thấy rất rõ rồi. Ở vị trí như Tùng thì phải là tinh thần thép, chứ không thực sự điên mất. Con đường của Tùng gập ghềnh hơn tôi rất nhiều. Tôi là người nghệ sĩ thong dong với cuộc đời, với nghề, chỉ cần biết mình yêu nghề thì khán giả sẽ yêu mình, vậy thôi. Tôi và bạn ấy là hai vị trí khác nhau.

Phạm Quỳnh Anh: Đừng nhầm lẫn cống hiến bằng tiền thì mới là tận tâm với nghề, còn ít tiền là lỗi thời - Ảnh 19.

Nhưng đó là vị trí nào?

Vị trí của Tùng đang là số 1. Tôi thì không có số, bởi vì tôi là người thân của khán giả, chứ không phải trong vị trí ca sĩ top 5, top 2, top 1.

Ở vị trí của Sơn Tùng, mọi người cho rằng anh ấy đang ở đỉnh này thì qua đỉnh khác phải cao hơn nữa. Sơn Tùng cũng chỉ là một con người. Bạn ấy cần thời gian. Tôi tin rằng khi Tùng có thêm thời gian, bạn ấy còn nhiều điều kinh khủng hơn nữa ở tương lai. Mọi người cứ vội vàng, hay bị "việt vị", nhìn như thế xong nói là Tùng chắc hết chiêu trò rồi. Từ từ, người ta còn làm nghề mà, cứ ở đấy chờ. Và tôi tin Tùng không đơn giản đâu.

Phạm Quỳnh Anh: Đừng nhầm lẫn cống hiến bằng tiền thì mới là tận tâm với nghề, còn ít tiền là lỗi thời - Ảnh 20.

Cám ơn chị Phạm Quỳnh Anh vì cuộc trò chuyện!

Bạn được tự do bày tỏ quan điểm nhưng nghiêm cấm spam

Tin liên quan