Chuyện tử tế giữa tâm dịch Đà Nẵng: 'Đi từng ngõ, gõ từng nhà' tặng quà cho người dân nghèo, sinh viên
Gõ cửa từng nhà, trao gửi yêu thương đến từng số phận. Sự tử tế và nghĩa tình của người Đà Nẵng dễ thương, hào sảng đã giúp nhiều đồng bào vượt qua khốn khó, để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong dịch Covid-19.
Nhắn địa chỉ, tôi mang đến
Giữa trưa nắng hầm hập, nhóm tình nguyện viên trong bộ đồ bảo hộ kín mít, chia nhau mỗi người chở theo vài bao gạo, họ len lỏi vào khắp các con hẻm của Đà Nẵng.
"Alo, có phải số của cô Hiền không? Giờ cô có ở nhà đó không, tụi con đến nhà tặng gạo cho chị nhé", vừa dứt lời, chị Dương Thị Phượng (44 tuổi), 1 tình nguyện viên nổ xe máy hướng về hướng đường Tôn Đản (phường Hoà An, quận Cẩm Lệ).
"Cô Hiền này là phụ nữ đơn thân, một mình nhặt ve chai nuôi 3 con nhỏ, nhưng do dịch Covid-19 nên cô đã thất nghiệp gần một tháng nay. Biết số điện thoại của nhóm từ thiện nên hôm qua cô ấy gọi cầu cứu", vừa đi chị Phượng vừa chia sẻ.
Tình nguyện viên mang đồ bảo hộ chở gạo đi phát cho người dân.
Chị Phượng và chị Hiền len lỏi vào khắp các con hẻm của xóm lao động nghèo để trao tận tay những phần quà nhỏ nhưng ấm tình người cho các hoàn cảnh khó khăn.
Khoảng 20 phút sau, cánh cửa của căn nhà cũ mèm nằm khuất sâu một khu dân cư giải toả được đẩy ra, cô Đỗ Thị Kim Hiền (53 tuổi) vui mừng nhận lấy phần quà gồm 1 bao gọi và 1 phong bì. Ẩn phía sau chiếc khẩu trang là ánh mắt hạnh phúc của cô Hiền.
"Cả tháng nay do Covid-19 nên tôi không đi nhặt ve chai được nữa, vì tôi lớn tuổi lại càng phải hạn chế tiếp xúc. Hôm nay được tặng bao gạo, lại còn có cả tiền mặt như này thật là quý giá", cô Hiền trải lòng.
Những ngày nghỉ việc vì dịch Covid-19, là quãng thời gian chị Phượng (giảng viên trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn) tìm thấy ý nghĩa cuộc sống khi tham gia vào đội tình nguyện tặng gạo tận nhà cho các hoàn cảnh khó khăn. Suốt hơn nửa tháng nay, hàng ngày chị đến điểm nhận gạo, gọi điện cho người nhận rồi di chuyển bất kể quãng đường xa hay gần để trao tận nơi.
Chị Phượng tặng gạo và tiền mặt tận nhà cho 1 hộ dân nghèo.
"Từ đầu tháng 8, các tình nguyện viên đã chia thành từng nhóm lẻ đi trao quà. Dù đi cả ngày đường nắng nóng nhưng ai cũng thấy hạnh phúc vì đem được món quà ý nghĩa đến cho bà con. Còn riêng mình thì thấy những ngày nghỉ dịch trở nên ý nghĩa hơn. Đi ra mới thấy so với nhiều người, mình còn may mắn hơn", chị Phượng chia sẻ.
Đi cùng nữ giảng viên này là chị Nguyễn Thị Hiền (32 tuổi, quản sinh trường tiểu học Trần Nhân Tông). Hoàn cảnh của chị Hiền cũng chẳng "khá giỏi" gì, gia đình thuộc hộ nghèo, 2 con bị thiểu năng, nhưng khi biết đến CLB phát gạo từ thiện này, chị lập tức đến xin tham gia.
Người dân được rửa tay sát khuẩn trước khi nhận quà.
Dù gia đình cũng chẳng "khá giả" gì, nhưng chị Hiền vẫn tình nguyện tham gia đi phát gạo, bởi vì thấy "mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người".
Theo chị Hiền, trước đây gia đình đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, nên khi dịch bùng phát trở lại, thành phố thực hiện cách ly xã hội khiến nhiều người lao động nghèo khốn khó hơn, chị đã quyết định gửi con cho người thân chăm sóc, còn mình lên đường đi "shipper" gạo.
"Đi trao gạo, gặp những hoàn cảnh khác mới thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người", chị Hiền bộc bạch.
Những con người còn khó khăn, cơ cực đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm, sẻ chia để cùng vượt qua dịch bệnh.
Trong căn nhà rộng chưa tới 10 m2 nằm sâu trong con hẻm nhỏ, người đàn ông khuyết tật ngồi trên xe lăn xúc động khi nhận được những món quà thiết yếu trong những ngày khó khăn vì dịch Covid-19.
Anh Trần Lanh (39 tuổi, quê Bình Định) cũng như nhiều phận đời khác nơi con hẻm này. Họ là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người tật nguyền... từ các nơi xa xứ về Đà thành làm ăn. Nói như lời ông Lanh, bình thường còn lăn bánh xe đi bán vé số, bán kẹo kiếm đôi ba đồng về trang trãi gia đình, lo cho con dại. Chứ giờ dịch dã cả tháng nay cái ăn còn chẳng có.
"Tôi rất bất ngờ khi các cháu đi quãng đường xa để đến tận nhà tặng gạo, mì tôm... Tôi bị tật nguyền, chỉ biết bán vé số để nuôi gia đình. Cả tháng nay, do dịch bệnh phải ở nhà nên cũng gặp khó khăn. Đang lo không biết lấy gì ăn, không ngờ nay được nhóm từ thiện đến trao quà, tôi mừng quá", anh Lanh sụt sùi nói.
Những món quà nghĩa tình dìu nhau qua đại dịch
Người đứng ra kêu gọi, kết nối các mạnh thường quân trên mạng xã hội, lên danh sách hộ nghèo chuyển cho các tình nguyện viên đi phát gạo là anh Nguyễn Bình Nam (41 tuổi), chủ nhiệm Câu lạc bộ Bạn thương nhau.
Anh chàng kỹ sư điện này cũng chính là gương mặt quen thuộc trong công tác thiện nguyện. Suốt 10 năm qua, anh Nam đã quyên góp tiền xây dựng 14 điểm trường vùng cao ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và huyện Tây Trà (Quảng Ngãi). Không chỉ vậy, anh còn tổ chức chương trình "bữa cơm có thịt", sữa cho các em học sinh tại nhiều trường miền núi ở các tỉnh miền Trung.
Nhiều gia đình không khỏi xúc động khi nhận những món quà tiếp tế, tiếp thêm nghị lực cho họ kiên trì vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tháng 4 vừa qua, khi dịch Covid-19 hoành hành tại Đà Nẵng, CLB của anh Nam cũng đã tổ chức phát cơm miễn phí cho người dân. Đến cuối tháng 7, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, anh Nam tiếp tục kêu gọi bạn bè được hơn 500 triệu đồng mua đồ bảo hộ, khẩu trang, thiết bị y tế gửi vào các bệnh viện đang cách ly, điều trị cho người bệnh ở Đà Nẵng và Quảng Nam.
Khi bệnh viện "đã ổn", nhóm tình nguyện tiếp tục kêu gọi thêm các mạnh thường quân góp sức và chuyển sang hỗ trợ gạo cho người dân. Tất cả số tiền nhà hảo tâm ủng hộ và các khoảng chi tiêu, mua quà tặng cho người nghèo đều được anh Nam công khai ngay trên Facebook của mình.
Một bạn sinh viên vui mừng vì được nhận quà từ "những người lạ tử tế".
Việc làm của nhóm tình nguyện được nhiều người dân vui mừng đón nhận và không thiếu những giọt nước mắt xúc động của họ.
"Đợt dịch lần này căng thẳng hơn trước rất nhiều. Thành phố phải cách ly thời gian dài thì hũ gạo nhiều người nghèo đã cạn, nên từ ngày 15/8 chúng tôi tiếp tục kêu gọi để có nguồn lực hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn", anh Bình Nam chia sẻ.
Để tránh tụ tập đông người và để không bỏ sót các hoàn cảnh thực sự khó khăn, ngoài việc nắm danh sách những hộ nghèo tại các địa phương, anh Nam còn nhờ những người quen trên Facebook giới thiệu những hoàn cảnh cần giúp đỡ. Sau khi tiếp nhận thông tin, các tình nguyện viên sẽ xác nhận và mặc đồ bảo hộ, chở quà đến tận nhà để tặng.
Các tình nguyện viên đồng hành cùng anh Nam hầu hết đang đi làm, trong đó nhiều người là doanh nhân, bộ đội, giảng viên đại học, kỹ sư,... nhưng cũng có những bạn là sinh viên, học sinh, công nhân... Do số lượng người nghèo đăng ký ngày một đông, ngoài 50 thành viên của CLB, anh Nam kêu gọi thêm nhiều nhóm từ thiện khác cùng tham gia. Tất cả tình nguyện viện đều tự bỏ tiền túi ra đổ xăng để đi phát quà.
Dưới cái nắng như đổ lửa, ai nấy đều đẫm mồ hôi nhưng từ kẻ cho người nhận chẳng chút nề hà. Họ hỏi han, sẻ chia, nụ cười cứ thế ẩn hiện đằng sau lớp khẩu trang.
Gặp nhiều hoàn cảnh quá khó khăn, ngoài số gạo 10 kg sẽ tặng, nhóm còn biếu thêm từ 300.000 đến 1.000.000 đồng, rồi kêu gọi thêm bạn bè hỗ trợ kinh phí cho họ sửa lại mái nhà vách tôn đã mục. Phong bì không ghi tên đội, nhóm làm từ thiện mà chỉ có dòng chữ "Cùng thành phố vượt qua bão tố".
Cũng theo anh Nam, anh thật sự xúc động khi chứng kiến tinh thần chia sẻ của người dân trong đại dịch lần này. Như việc một người đàn ông đi xe lăn ngoài đường đã từ chối khi nhóm tặng quà, vì cảm thấy mình vẫn ổn nên nhường lại cho người khác cần hơn. Hay chuyện về một bạn tình nguyện viên đến xin tình nguyện tham gia đi phát gạo với mong muốn góp sức cho thành phố chống dịch, trong khi cả tuần nay hết tiền nên em và mẹ đều phải ăn mì tôm trong căn phòng trọ lụp xụp.
Những gói quà nghĩa tình dìu nhau qua đại dịch.
Đến nay, nhóm của anh Nam đã gõ cửa từng nhà, tiếp sức cho gần 1000 trường hợp, đó là những cô nhặt ve chai, tối khuya rồi vẫn bươn chải bên từng thùng rác, mong lo đủ bữa cơm cho mấy đứa nhỏ ở nhà; đó là hàng chục công nhân thất nghiệp chen chúc nhau trong những ngôi nhà dựng tạm chẳng có gì ăn ngoài mì tôm; đó là anh phụ hồ thất nghiệp lang thang từ 3 giờ sáng đến 12 giờ trưa vẫn ko có gì bỏ bụng; đó là chú khuyết tật ngồi xe lăn đi lượm ve chai nhận được bao gạo và phong bì tiền mà bật khóc; đó là những hộ gia đình với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh tật, neo đơn, không người giúp đỡ; đó là bạn sinh viên 3 tuần liền ăn mì tôm mà ko dám ngỏ lời xin gạo... và rất nhiều hoàn cảnh khốn khó nằm trong những xóm trọ, những ngóc ngách sâu hút nằm rải rác khắp Đà Nẵng.
Chia sẻ về việc làm ý nghĩa này, anh Nam trải lòng: "Tôi không nghĩ đây là việc làm từ thiện mà chỉ là sẻ chia, là tình người trong lúc khó khăn. Chúng tôi cảm thấy ấm lòng vì đã góp 1 tay trong hàng vạn cánh tay, ôm lấy thành phố này trong những ngày giông tố".
Bạn được tự do bày tỏ quan điểm nhưng nghiêm cấm spam