• Chia sẻ qua Zalo
  • Chia sẻ FB
  • Góp ý & Báo lỗi
  • Bình luận0

Viết cho những mối tình Sài Gòn - Hà Nội: Yêu nhau, yêu cả dáng hình ngôn ngữ

Học yêu một người Sài Gòn, phải biết “thương em quá” hơi khang khác người Hà Nội nói “thương quá”, rằng “quen” không chỉ là quen và “bồ” chẳng phải một điều gì đó nghe có phần xa lạ.

Yêu một chàng trai Sài Gòn, nhiều lúc không chỉ là 2 giờ bay hay gần 2,000 cây số - những hình ảnh đã gắn liền với mối tình yêu xa vắt ngang hai đầu đất nước. Yêu một chàng trai Sài Gòn, một cô gái Sài Gòn và nói chung cả những con người lớn lên khắp miền Nam hay miền Trung, người ta còn biết yêu thêm cả những câu từ nghe quen mà lạ. Quen vì đâu đó chúng ta vẫn dùng, lạ là sắc thái khác, tình cảm khác - nghe đâu đó thấy thân thương, mộc mạc hơn nhiều.

QUEN

Đâu đó giữa những sự dễ thương trong tình yêu, người ta thấy những ngập ngừng, bẽn lẽn đi cùng với “Quen”. Sài Gòn những buổi chiều hè cuối tuần náo nhiệt tiếng cười đùa; người ta tháo xuống những gương mặt mệt mỏi, của bon chen và bận bịu. Con đường bên bờ sông Sài Gòn đông người hơn. Trong ánh chiều vàng, họ nhìn về phía thành phố đang nhuốm màu phương Đông. Trong không gian thi vị ấy, họ hỏi nhau vài câu chuyện giấu kín trong lòng. 

“Ê này, rồi mình quen nhau được không?”

“Ủa, trước giờ vẫn quen nhau còn gì? Không quen nhau thì sao nói chuyện được”, cô gái hút trà sữa cái roẹt rồi trả lời.

“Ừ thì quen, nhưng quen kiểu khác?”, chàng trai vẫn gặng hỏi.

“Kiểu khác là kiểu gì? Có những kiểu quen gì? Quen sơ sơ? Quen thân? Biết nhau vài tháng rồi cũng tính là quen thân được chứ”.

“Quen… kiểu Sài Gòn!”

Câu chuyện nghe có vẻ “sến” nhưng đâu đó giữa những cuộc tình mới chớm, của một người Hà Nội với một người Sài Gòn, người ta sẽ thấy ai đó ngập ngừng nói quen nhau. Với người Hà Nội và người Bắc nói chung, quen đôi khi chỉ là một sự gặp mặt, một cuộc nói chuyện hay những người liên quan tới nhau trong công việc và cuộc sống. Lần đầu tiên nghe ai đó nói “quen kiểu Sài Gòn”, không ít người phá lên cười hoặc cau mày tự hỏi: Rồi quen như vậy là quen như nào?

Viết cho những mối tình Sài Gòn - Hà Nội: Yêu nhau, yêu cả dáng hình ngôn ngữ - Ảnh 1.

Là tìm hiểu nhau, là đi xa hơn một chút trong tình bạn, là để mình đưa cậu đi chơi, nhắn tin cậu mỗi tối, nếu yêu xa thì thỉnh thoảng đáp chuyến máy bay ra Hà Nội hay làm những trò “gà bông” của những gã mới chập chững bước vào đường tình. Quen đó, nghe sao ý nhị hơn là thích, mà cũng thân thương và dịu dàng.

Lần đầu tiên yêu một chàng trai Sài Gòn, tôi đã biết “quen” nghĩa là gì. Ấy vậy mà, trong cái sự lúng túng của lời nói ấy, vẫn thấy những rung động nhẹ nhàng. Tôi dần nhận ra rằng ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp; đó là công cụ của cảm xúc, phảng phất những tâm tư trong lòng mỗi người. “Quen” không đường đột như “thích”, nghe mà bỗng thấy như bình yên hơn giữa những tiếng còi xe tấp nập nơi phố thị mỗi chiều bên sông Sài Gòn.

THƯƠNG

Người Sài Gòn, và người miền Nam miền Trung, nói thương nhau nghe sao như nói bằng cả tấm lòng chứ không phải âm thanh nơi cửa miệng. Đã “lỡ” nói quen nhau, người ta sao chuyển thành “yêu” chứ, nói yêu nghe “xoàng” quá! Nói vui vậy chứ, người ta quen nhau rồi chắc sẽ thương nhau. Nghe thương nhau không dạn dĩ, sòng phẳng như yêu; lời thương chắc hơn câu yêu đương chút đỉnh, vừa phải yêu vừa phải hiểu và chấp nhận cả những khác biệt của người kia. Nói được “Anh thương em”, phải dằn lòng dữ lắm, thấu hiểu và quan tâm lắm luôn.

Viết cho những mối tình Sài Gòn - Hà Nội: Yêu nhau, yêu cả dáng hình ngôn ngữ - Ảnh 2.

Cái thương của người Bắc, đâu đó cũng có chút khác với sắc thái “thương nhau” trong chuyện tình yêu ở Sài Gòn. Ngoài này người ta thương nhau nhiều hơn là sự thương cảm. Có sự sẻ chia, cảm thông trong lời thương, như thương xót, thương hại. Đâu đó giữa những lời thương cũng có cả tình ý nhưng nhiều người đặt “thương” dưới “yêu” một bậc. “Anh thương em vì cảm thông cho em, còn yêu nhau thì chắc mình không được”. Thương với đôi người là vậy, để rồi ôm mang cả một nỗi buồn. 

Yêu thường đi với thương, nhưng trong những lời tỏ tình ngọt ngào mà dịu dàng, chỉ thương thôi cũng ôm trọn cơ man là cảm xúc. Tôi từng hỏi người yêu rằng “anh thương em kiểu Hà Nội hay kiểu Sài Gòn?”, như một lời nói nửa đùa nửa thật. Sự cách biệt địa lý khiến người ta xa cách nhau về mặt khoảng cách nhưng sự khác biệt về văn hóa, cuộc sống đôi khi đẩy người ta xa nhau hơn về mặt cảm xúc. Thương một người, dần dần người ta biết thương cả những tiếng nói, thương cả thành phố và những điều xa lạ. 

Cách đây 3 năm, khi Tiến, bạn thân tôi vẫn đang ở Mỹ du học, mối tình với cô gái người Sài Gòn chớm nở trong những năm tháng học xa nhà. Kết thúc 4 năm học, Tiến trượt visa làm việc phải về Việt Nam, còn cô bạn gái vẫn ở Mỹ làm việc. Cũng đã được hai năm kể từ ngày hai người yêu xa, gặp nhau cách quãng mỗi lần cô về Sài Gòn. Ngần ấy thời gian là không biết bao lần bố mẹ giục cưới, hỏi rằng liệu cô có về được Việt Nam không để kết hôn. Tiến nói rồi cô ấy sẽ về, nhưng khi nào thì không ai biết. Một đêm mùa đông, giữa quán rượu nhỏ, trong tiếng nhạc và men rượu, nó rầm rì những lời chưa bao giờ thổ lộ.

“Ngày về Việt Nam, tao đeo mang cả lời em nói trong balo “Còn thương em thì ráng chờ ngày em về”. Chỉ vài tháng nữa thôi, là hai năm lời thương cũng thành hiện thực”.

Vì còn thương được, nên người ta còn chờ nhau được. Vì đã thương được, xá gì không tới được với nhau?

BỒ

Tôi nghĩ mình đã ngoài tuổi để nghe ai đó gọi một tiếng “bồ”. Bồ; đám học sinh với tình yêu gà bông hay gọi nhau là bồ, lúc nào vui vui giỡn chơi cũng gọi nhau là bồ. Nhưng cũng có nhiều “người lớn” gọi nhau là bồ, thấy dễ thương gì đâu. “Làm bồ tui đi” - cái câu nói nghe cũng có sự rụt rè nhưng mạnh dạn, táo bạo hơn. Người ta đi qua những năm tháng thâm trầm để nói lời thương, qua những ngày tháng tuổi trẻ để ngập ngừng nói lời quen và nhớ lại buổi đầu gọi nhau là “bồ”.

Viết cho những mối tình Sài Gòn - Hà Nội: Yêu nhau, yêu cả dáng hình ngôn ngữ - Ảnh 3.

Những ngày còn ở Hà Nội, từ “bồ” thường đi cùng với ý nghĩa không hay cho lắm, như “bồ bịch” là câu chuyện ngoại tình, như mẹ tôi vẫn thường nói “ông chú hàng xóm này bỏ vợ con ở nhà, đi cặp bồ với con nhỏ có tí tuổi”. Đôi khi ai đó chỉ thả bâng quơ một câu “hình như con nhỏ này đang cặp bồ với thằng kia”, những người xung quanh sẽ nghĩ về một điều gì đó không đúng trong mối quan hệ ấy. Khi những nét văn hóa và phương ngữ vùng miền dần bị xóa nhòa, cái chữ “bồ” nghe cũng thanh hơn, bớt gắt gỏng và dễ thương giữa đời thường.

Nhưng phải khi rời Hà Nội, sống ở Sài Gòn, tôi mới thực sự quen khi ai đó nhắc tới chữ bồ: Một cô đồng nghiệp than mấy năm rồi không có bồ, vài cậu bạn ở Hà Nội vào một thời gian cũng “học chữ”, khoe có bồ rồi. Ở thành phố này, mọi thứ đều dân dã hơn, thoải mái và bớt gò nhau vào những khuôn phép của con chữ. Tôi thích nghe những thương, quen, bồ - nó vừa nhã nhặn, vừa gần gũi nhưng như khi ai đó gọi nhau là “bồ”, có cả sự bông đùa không sỗ sàng. Lần đầu tiên khi được gọi là “bồ”, tôi đã lẩm bẩm suốt cả ngày. Có lẽ, áp lực đè nặng lên khái niệm “người yêu” khiến người ta nhẹ nhõm và thoải mái khi ai đó gọi mình là “bồ’.

“Vì yêu nhau, đâu cần gò mình trong con chữ, nhớ và thương nhau nhiều là đủ rồi”.

***

Mỗi đêm từ Sài Gòn và Hà Nội, giữa miền Bắc và miền Nam, hay chỉ quanh quẩn những ô cửa sáng đèn nơi thành thị Sài Gòn náo nhiệt, có không biết bao tin nhắn được gửi đi mỗi đêm, những cuộc Facetime để rút ngắn khoảng cách nỗi nhớ. Vì người ta thương nhau, lỡ thương cả dáng hình ngôn ngữ, thương cả những câu chuyện ban đầu còn ngô ngọng chẳng hiểu, để rồi khi vỡ ra thấy chẳng muốn rời xa nhau nữa.

Những mối tình Hà Nội - Sài Gòn, cũng bởi “Anh thương em”, “Mình quen nhau đi”, “Làm bồ tui nhé” mà luôn dạt dào bao cảm xúc của sự khác biệt rất đỗi hân hoan.

Viết cho những mối tình Sài Gòn - Hà Nội: Yêu nhau, yêu cả dáng hình ngôn ngữ - Ảnh 4.

Bạn được tự do bày tỏ quan điểm nhưng nghiêm cấm spam

Tin liên quan